LoD - Lord of Devil

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
LoD - Lord of Devil

Clan Lord of Devil


    Giáo dục

    avatar
    Admin
    Administrator
    Administrator


    Tổng số bài gửi : 91
    Join date : 28/07/2008

    Giáo dục Empty Giáo dục

    Bài gửi  Admin Wed Mar 24, 2010 9:18 pm

    Từ ngàn xưa tới nay, Hà Nội luôn là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất của cả nước, nơi hội tụ nhân tài khắp mọi miền. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của con người Hà Nội đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành Giáo dục Thủ đô, đồng thời là cơ sở để tạo nên bản sắc văn hoá, cốt cách thanh lịch của người Tràng An.

    1. Thăng Long đất học ngàn năm
    Năm 1010, khi Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long, nền giáo dục kinh đô bắt đầu được gây dựng và phát triển với sự ra đời của Văn Miếu (1070) và Quốc Tử Giám (1076) mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
    Giáo dục Nho học đã trở thành nền tảng giáo dục chính thống trong các triều đại phong kiến Việt Nam và Thăng Long vinh dự là nơi diễn ra các kỳ thi tuyển chọn nhân tài với số lượng và chất lượng ngày càng gia tăng: triều Lý (6 khoa thi), triều Mạc (21 khoa thi- 460 tiến sĩ- 11 trạng nguyên), triều Lê (121 khoa thi- 2241 tiến sỹ- 37 trạng nguyên)…Mảnh đất hiếu học này là 1 cái nôi nảy nở nhiều ông Nghè, ông Trạng .
    Trên mảnh đất ngàn năm này xuất hiện nhiều trường học danh tiếng với nhiều nhà giáo ưu tú. Ngôi trường bề thế mang tầm cỡ quốc gia đầu tiên, đồng thời là ngôi trường có quy mô lớn nhất toàn khu vực lúc bấy giờ chính là Văn Miếu- Quốc Tử Giám, nơi diễn ra nhiều kỳ thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước và 82 bia tiến sĩ ở đây vẫn là bằng chứng lưu dấu với thời gian về trung tâm giáo dục, đào tạo của nhiều triều đại.
    Nơi đây cũng có nhiều nhà giáo yêu nước thương dân, đào tạo nhiều thế hệ anh tài phục vụ đất nước mà điển hình là nhà giáo Chu Văn An, người đã từ bỏ sự nghiệp làm quan để làm một người thầy đào tạo nên nhiều thế hệ học trò nổi tiếng như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…
    Từ giữa thế kỷ 15 cho tới cuối thế kỷ 19, Hà Nội luôn là một trong những địa điểm chính để tổ chức các cuộc thi thuộc hệ thống khoa bảng, nhằm chọn những nhân vật tài năng bổ sung vào bộ máy quan lại. Tới thời Pháp thuộc, với vị trí là thủ đô của Liên bang Đông Dương, Hà Nội là một trung tâm giáo dục của khu vực, nơi người Pháp đặt các trường dạy nghề và giáo dục bậc đại học, trong đó có Viện Đại học Đông Dương, Trường Y khoa Đông Dương là các trường mà sau này trở thành nền móng của giáo dục đại học ở Việt Nam. Thời kỳ này phong trào học chữ quốc ngữ, gây dựng tinh thần tự tôn dân tộc và mở mang tri thức do nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục Hà thành tổ chức đã có ảnh hưởng sâu rộng và được nhân cấy ra cả nước, kết quả góp phần hình thành nền giáo dục mới thay thế nền giáo dục Nho học vốn đã lỗi thời.
    2. Giáo dục Thủ đô trong thời đại mới
    Một trong những nét nổi bật của giáo dục - đào tạo Hà Nội những năm đầu giải phóng là thành tựu diệt dốt, xóa mù chữ cho nhân dân. Sau 3 năm phát động cao trào diệt dốt (1956 - 1958) Hà Nội đã đạt tỉ lệ xoá mù chữ 97,7% thực hiện đúng lời hứa với Bác Hồ khi Người đến chúc Tết đồng bào Thủ đô năm 1956. Kinh nghiệm của Hà Nội trong phong trào xóa mù chữ chỉ với 25 bài, đã được đúc rút thành tài liệu dạy học quý báu phổ biến rộng rãi cho nhiều địa phương.

    Thời kỳ đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, thầy và trò Thủ đô vẫn kiên cường, bám lớp, bám trường, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ trên mặt trận giáo dục. Đã có nhiều phong trào thi đua, nhiều tập thể điển hình xuất hiện trong những năm tháng này như Trường cấp I Thăng Long, Trường cấp II Phú Thị, Trường cấp III Cao Bá Quát. Sự phát triển của ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô là chiến công quan trọng của người Hà Nội góp vào thắng lợi chung trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
    Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Hà Nội bắt tay vào sự nghiệp cải cách giáo dục theo quan điểm giáo dục toàn diện và đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, giáo viên. Hiện nay, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước và cũng là địa phương có nhiều sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện các chương trình cải cách và đổi mới.
    Hà Nội ngày nay vẫn là trung tâm giáo dục lớn nhất Việt Nam. Năm 2007, Hà Nội có 280 trường tiểu học, 219 trường trung học cơ sở và 103 trung học phổ thông với tổng cộng 495.456 học sinh. Tỉnh Hà Tây cũng tập trung 361 tiểu học, 337 trung học cơ sở và 67 trung học phổ thông, tổng cộng 475.264 học sinh.Hệ thống trường trung học phổ thông, Hà Nội có 40 trường công lập, một vài trong số đó nổi tiếng vì chất lượng giảng dạy và truyền thống lâu đời. Bên cạnh các trường công lập, thành phố còn có 65 trường dân lập và 5 trường bán công. Hà Nội cũng là địa điểm của ba trường trung học đặc biệt, trực thuộc các trường đại học, là Hệ Trung học Phổ thông Chuyên thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trường Trung học Phổ thông Chuyên thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Các trường trung học chuyên này là nơi tập trung nhiều học sinh phổ thông ưu tú không chỉ của Hà Nội mà còn của toàn Việt Nam. Cùng với các trung học danh tiếng, hệ thống giáo dục của thành phố vẫn duy trì những trường bổ túc và cả các lớp học xóa mù chữ. Sau khi Hà Tây được sát nhập vào thành phố, Hà Nội hiện đứng đầu Việt Nam về số lượng người không biết chữ. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đạo tạo Việt Nam năm 2008, toàn thành phố có gần 235.000 người mù chữ trên tổng số 1,7 triệu người của cả quốc gia.
    Là một trong hai trung tâm giáo dục đại học lớn nhất quốc gia, trên địa bàn Hà Nội có trên 50 trường đại học cùng nhiều cao đẳng, đạo tạo hầu hết các ngành nghề quan trọng. Năm 2007, tại thành phố có 606.207 sinh viên, Hà Tây cũng tập trung 29.435 sinh viên. Nhiều trường đại học ở đây là những trường đào tạo đa ngành và chuyên ngành hàng đầu của Việt Nam.
    Chất lượng giáo dục Thủ đô ngày càng được nâng cao và là một trong những địa phương dẫn đầu về số học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại trà được coi trọng với việc hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (1990), đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (1999), duy trì tốt công tác phổ cập đúng độ tuổi và đang phấn đấu để phổ cập giáo dục trung học, trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này.
    Xứng tầm với vị thế thủ đô trong thời kỳ hội nhập, Hà Nội luôn tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT trong các hoạt động giảng dạy, học tập cùng với việc hoàn thành kết nối internet tới gần 100% trường học. Công tác kiên cố hoá trường lớp được đặc biệt quan tâm với các dự án cải tạo và xây dựng phòng học, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 20,2% (449 trường).
    Trong chặng đường phát triển đã qua ngành Giáo dục Hà Nội đạt được những thành tựu to lớn cả về quy mô phát triển, chất lượng và hiệu quả..., đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục của đất nước và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như ý nguyện thiêng liêng của Bác Hồ.

    3. Giáo dục Thủ đô trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
    Trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngành Giáo dục Thủ đô đang tích cực triển khai nhiều chương trình hoạt động để gìn giữ, xây dựng truyền thống thanh lịch của người Tràng An cho thế hệ trẻ, tạo nếp sống lành mạnh, văn minh.
    Trước hết sẽ đưa đưa chương trình “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch” vào học đường, bắt đầu từ bậc học nhỏ nhất với kế hoạch “ Giáo dục lễ giáo cho trẻ ở các trường mầm non” giúp các em có cái nhìn sâu sắc hơn về lối sống, đạo đức, tác phong của người thanh lịch. Tiếp tục xây dựng một môi trường văn hoá học đường lành mạnh, hình thành nếp sống văn minh trên cơ sở cuộc vận động “ Nhà trường văn hoá- Nhà giáo mẫu mực- Học sinh thanh lịch”.
    Hà Nội chú trọng công tác bồi dưỡng đạo đức cho thế hệ trẻ thông qua diễn đàn thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; gắn kết giảng dạy những bài học đạo đức tiểu học với những việc làm cụ thể qua đó giáo dục tính nhân văn, tình yêu quê hương đất nước, con người, giúp học sinh sống hướng thiện...
    Nhằm bồi dưỡng tình yêu Hà Nội và tạo hứng thú học tập cho học sinh, từ năm 2001, các chuyên đề văn hoá-lịch sử-địa lí Hà Nội đã được Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn và đưa vào giảng dạy chính thức. Từ đây thế hệ trẻ Thủ đô đã có kiến thức nền về bản sắc truyền thống Hà Nội qua đó hình thành ý thức trách nhiệm bản thân.
    Nhiều hoạt động ngoại khoá đã được ngành Giáo dục Thủ đô tổ chức và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các em học sinh. Tính đến năm học 2008-2009 cuộc thi “Hà Nội trong trái tim em” do Sở Giáo dục và Đào tạo phát động đã bước vào năm thứ ba với số lượng và chất lượng bài viết ngày một cao. Chủ trương mỗi trường học nhận chăm sóc một di tích lịch sử văn hoá cách mạng trên địa bàn đã được các em hào hứng thực hiện với niềm tự hào và ý thức trách nhiệm về thủ đô anh hùng.
    Xây dựng diện mạo văn hoá của thủ đô ngàn năm văn hiến là niềm vinh dự tự hào đồng thời là trọng trách nặng nề của ngành Giáo dục, đòi hỏi thầy và trò Hà Nội phải nỗ lực vượt bậc cùng cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

      Hôm nay: Fri Mar 29, 2024 4:07 am